Quảng bá du lịch bằng ẩm thực: Việt Nam lại chậm chân

7:32 PM |

Quảng bá du lịch bằng ẩm thực: Việt Nam lại chậm chân

Mặc dù đã bàn “chán chê” nhưng nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa giải được bài toán thương hiệu. Trong khi đó các quốc gia láng giềng, điển hình là Thái Lan đã đầu tư rất mạnh vào việc khuếch trương hình ảnh đất nước.

Chiến dịch quảng bá du lịch với trọng tâm là ẩm thực của Thái Lan mới đây là một bài học lớn cho chúng ta.
 
Ẩm thực Việt Nam đa dạng, hấp dẫn vào bậc nhất thế giới
Người Thái đã đón đầu?
“Gần đây trong một chuyến công tác Bangkok, Thái Lan, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy khẩu hiệu ở sân bay: “Thailand: Kitchen of the World” nghĩa là Thái Lan: Bếp ăn của thế giới” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Không chỉ riêng ông Vũ Tiến Lộc, nhiều người cũng bất ngờ với thông tin này, bởi đây là gợi ý của Phillip Kotler, cha đẻ ngành marketing hiện đại dành cho Việt Nam. Trong khi đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa làm gì để hiện thực hóa ý tưởng của Phillip Kotler thì người Thái Lan đã và đang thực hiện điều này một cách bài bản.
Đây không phải lần đầu tiên Thái Lan đưa ra chiến dịch quảng bá du lịch với trọng tâm là ẩm thực. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan mới đây đã xúc tiến chiến dịch “Pracharatch” kéo dài 3 tháng với danh sách khoảng 11 chiến lược “quick-win” (những việc cần làm ngay) để thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch đất nước này. Một trong những biện pháp mà ngành du lịch Thái Lan hướng tới đó là tập trung quảng bá du lịch Thái Lan bằng ẩm thực.
Cụ thể, thay vì mong đợi con số 32 triệu du khách nước ngoài, Thái Lan sẽ hướng tới mục tiêu thu hút 120 triệu hành khách mua những sản phẩm đồ ăn và hoa quả Thái Lan khi quá cảnh qua các sân bay nước này.
Để hiện thực hóa chiến dịch đó, ngành du lịch Thái Lan đã làm việc với các hàng không lớn như Thai Airways, Bangkok Airways và Thai Smile Airways để cho phát những đoạn video về ẩm thực trên các chuyến bay. Tất nhiên không chỉ bằng hình ảnh, du khách còn được thưởng thức những món ăn từ các nữ tiếp viên xinh đẹp của xứ sở Chùa Vàng.
Cần biết rằng, ngành du lịch Thái Lan chưa bao giờ thiếu ý tưởng để thu hút du khách. Từ lâu nay, ngành ngoại giao nước này phối hợp với các cơ quan du lịch Thái Lan đều đặn tổ chức các Tuần lễ ẩm thực Thái ở nước ngoài. Những món ăn đặc sắc của người Thái như Pad Thai (mỳ Thái), Tom Yam Kung (súp tôm chua cay), Som Tam (salad Thái)… đã thành công trong việc lôi kéo lượng lớn du khách đến Thái Lan.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia về văn hóa Thái Lan còn nhanh chóng điều tra và đưa ra danh sách 12 món ăn du khách không thể bỏ qua khi lần đầu đặt chân đến xứ sở Chùa Vàng. Khẩu hiệu “Thailand: Kitchen of the World” chỉ là một trong rất nhiều những ý tưởng khai thác du lịch từ ẩm thực mà ngành du lịch Thái Lan đã thực hiện, mở đường cho các sản phẩm mang thương hiệu “Thai brand” được du khách thế giới yêu thích.
 
Các nữ tiếp viên xinh đẹp giới thiệu các món ăn đặc trưng của Thái
Làm gì để không “đi sau”?
Việt Nam đang tiếp tục tụt hậu so với các nước trong khu vực, đó là điều không thể phủ nhận nhất là khi nhìn vào việc ngành du lịch nước nhà đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” quảng bá ẩm thực vào tay người Thái, mặc dù chúng ta không hề thua kém họ nếu xét về sự giàu có của các món ăn truyền thống.
Cái thiếu của ngành du lịch Việt Nam là dù đã nhìn ra thế mạnh nhưng lại chưa quyết tâm xây dựng một chiến lược quảng bá xứng tầm. Nếu như Thái Lan có thể đưa ra danh sách “12 món ăn du khách không thể bỏ lỡ” thì Việt Nam chỉ quanh quẩn với… phở và nem rán trong khi chúng ta có một thực đơn đa dạng, hấp dẫn từ nem cuốn, bánh cuốn, bún chả, bánh xèo…
Dựa trên các món ăn đặc trưng đã nổi tiếng thế giới như dimsum, sushi hay kimchi… các cửa hàng Trung Quốc (Chinese Foods), Nhật Bản (Japanese Foods), Hàn Quốc (Korean Foods)… đang thâm nhập thị trường châu Âu, châu Mỹ và nghiễm nhiên trở thành một sự định vị cho du lịch. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có nổi một nhãn hiệu, hay một biểu tượng nào đủ ấn tượng để giới thiệu tinh hoa ẩm thực đến với thế giới.
Mới đây, đầu bếp danh tiếng và cũng được coi là “đại sứ ẩm thực” của Anh - Gary Rhodes đã đích thân đến Việt Nam để trổ tài nấu nướng và giới thiệu các món ăn đặc sắc của xứ sở sương mù. Khỏi phải nói, sự xuất hiện của một đầu bếp đã sở hữu tới 6 sao Michelin (tiêu chuẩn danh giá xếp hạng ẩm thực) và chuỗi nhà hàng đẳng cấp đã khiến cho người yêu thích ẩm thực thích thú như thế nào.
Trong khi chúng ta đang tranh cãi về việc có hay không một đại sứ du lịch thì vẫn chưa thấy ngành du lịch nhắc đến việc tìm một đại sứ về ẩm thực. Tại sao ư, hãy nhìn vào kinh nghiệm của người Thái.
Xem thêm…

“Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”

12:32 AM |

“Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”

 Sau khi đọc hai câu thơ đó trước hội trường Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) giải thích: “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua”. Giữ “nỏ thần” là giữ cho đất nước trước họa xâm lăng và có điều kiện phát triển văn minh, thịnh vượng.


Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Quochoi.vn).
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đất nước chúng ta đang phải đối diện với cả ngoại xâm và nội xâm. “Tức là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việc xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Bây giờ chúng ta phải làm gì?”- ông Nghĩa đặt vấn đề và đưa ra hàng loạt giải pháp căn cơ, mạnh mẽ.
Trước hết, ông Nghĩa đồng ý với nhận định được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy, tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất.
“Tôi muốn nhấn mạnh vào hai cụm từ “quốc gia dân tộc” và “người dân”. Tôi nhận thức rằng, hàng ngàn năm qua ông cha ta giữ vững được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ vào bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó tôi xin bổ sung vào quan điểm phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào, bảo vệ độc lập chủ quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước”- ông nói.
Ông Nghĩa kỳ vọng phải làm sao cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. “Năm 1946 khi cụ Hồ sang Pháp dự hội nghị, nhiều trí thức thành đạt đã từ bỏ vinh hoa phú quý đi theo cụ về nước, về chiến khu kháng chiến, nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã sẵn sàng ủng hộ kháng chiến chống Mỹ cho dù phải trả giá đắt về tiền đồ, cuộc sống, thậm chí tính mạng”- ông Nghĩa nêu lại câu chuyện lịch sử.
Rồi chính ông đau đáu trước Quốc hội về thực tế hiện nay có không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi. Một bộ phận cán bộ công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho con, cháu mình được ra nước ngoài. “Không phải vì nghèo về tiền mà cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết. Phải đảm bảo cho người dân chưa giàu cũng phải thấy được tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý; được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân thấy tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”- ông Nghĩa đau đáu.
Trong phát triển kinh tế đất nước, vị luật sư đến từ TPHCM cho rằng, phải động viên được 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng, thanh niên chăm học, chăm làm, bớt nhậu nhẹt, bớt tiêu xài phung phí. Người dân ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho dù chất lượng chưa bằng hàng ngoại - như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận, ích kỷ mà dìm nhau, phá nhau trên thị trường, thậm chí đầu độc nhau bằng thực phẩm chế biến độc hại. Chấm dứt các dự án gây ô nhiễm, tàn phá thiên nhiên, qua đó hủy hoại môi trường sống của mình và con cháu mình.
“Cán bộ công chức phải giảm bớt lãng phí, thề không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng”- ông Nghĩa thẳng thắn.
Đồng thời phải tăng cường mối đại đoàn kết 54 dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết đồng bào trong nước - ngoài nước, hàn gắn vết thương quá khứ và không khoét thêm vết thương mới.
“Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất nghĩa là phải xác định cho đúng giữa ta và bạn - thù. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức”- ông Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa khẳng định việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”- vị đại biểu Quốc hội nói.
Nhắc lại sự kiện lịch sử gắn liền với cái tên Diên Hồng - tên của Hội trường Quốc hội hiện nay, ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định điều đó đã minh chứng cho một chân lý: Hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn phải chống lại những kẻ ngoại xâm, đông và mạnh hơn mình nhưng cuối cùng luôn luôn thắng lợi bởi luôn nuôi dưỡng được lòng yêu nước của toàn dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc.
Cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TPHCM xin được nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).
“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu
Xem thêm…

Nga sẽ đáp trả việc Mỹ đưa thêm lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu

12:13 AM |

Nga sẽ đáp trả việc Mỹ đưa thêm lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu

Nga sẽ đáp trả thích đáng tùy thuộc vào đánh giá mối đe dọa từ việc Mỹ hôm qua tuyên bố sẽ đưa thêm một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu trong một nỗ lực được cho là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga ở khu vực.

 
Binh sỹ Mỹ và xe tăng chuẩn bị cho một cuộc tập trận tại Ba Lan. (Ảnh minh họa: Reuters)
Trả lời phỏng vấn kênh TV channel Rossiya-24 hôm qua 30/3, đặc phái viên của Nga tại NATO Aleksandr Grushko nói rằng: “Chúng tôi không phải những người chỉ biết quan sát thụ động, chúng tôi luôn áp dụng mọi biện pháp quân sự mà chúng tôi cho là cần thiết để đối trọng lại sự tăng cường hiện diện không thể có gì biện minh này. Tất nhiên, chúng tôi sẽ đáp trả, tuy không quá tốn kém nhưng rất hiệu quả". Ông Grushko không diễn giải cụ thể về tuyên bố này, nhưng nói rằng các hành động của Nga sẽ tương xứng với việc Nga đánh giá mối đe dọa quân sự ở mức nào.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi quân đội Mỹ công bố kế hoạch tăng cường một lữ đoàn thiết giáp ở Đông Âu trong một nỗ lực được cho là nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga ở khu vực này.
Reuters dẫn thông báo của Bộ tư lệnh Mỹ ở châu Âu cho biết: “Lực lượng này sẽ được triển khai luân phiên 9 tháng bắt đầu từ tháng 2/2017 và sẽ tiến hành tập trận quân sự ở các nước Estonia, Latvia, Lithuania, Poland, Romania, Bulgaria và Hungary”.
Như vậy, việc điều thêm một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu sẽ nâng tổng số lữ đoàn hiện diện thường xuyên tại đây lên 3 lữ đoàn, và mỗi lữ đoàn của Mỹ sẽ luân phiên nhau trong khu vực Đông Âu trong 9 tháng trước khi bị thay thế. Mỗi đơn vị khi được điều động trở lại sẽ mang theo những trang thiết bị hiện đại và tiên tiến hơn, và sẽ dần thay thế các thiết bị huấn luyện đang sử dụng ở châu Âu. Một lữ đoàn thiết giáp đặc trưng của Mỹ có khoảng 4.500 binh sỹ cùng với các xe tăng và xe quân sự khác.
Cũng tại cuộc phỏng vấn hôm qua, ông Grushko đã lên tiếng về thông tin tướng Philip Breedlove, Chỉ huy Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Âu, mới đây đề nghị nối lại các chuyến bay của máy bay do thám U-2 ở không phận châu Âu, có thể là tại khu vực biên giới các nước Baltic.
“Tôi cho rằng những thông tin về việc nối lại các chuyến bay trinh sát U-2 của Mỹ chỉ là một chiêu bài tuyên truyền hơn là một mối đe dọa thực sự. Máy bay trinh sát này sẽ không thể bay ở không phận Nga”, ông Grushko nói. Ông nói thêm rằng: “Cơ hội hợp tác chỉ còn khi các nước NATO bắt đầu nhận thức được rằng chính sách đối đầu của họ đang đi ngược lại lợi ích của chính họ. Hiện chẳng có rào cản kỹ thuật nào với cơ hội hợp tác này. Chúng tôi hy vọng sớm hay muộn mọi mối quan hệ mà chúng ta từng có và từng rất hiệu quả sẽ được tái lập và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác”.

Xem thêm…

Hàng loạt chính sách "sát sườn" có hiệu lực từ ngày 1/4

11:50 PM |

Hàng loạt chính sách "sát sườn" có hiệu lực từ ngày 1/4

 Từ ngày 1/4, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của mỗi công dân và hoạt động của doanh nghiệp sẽ có hiệu lực như quy định việc gọi công dân nữ nhập ngũ trong thời bình, quy định chi trả bảo hiểm trong các vụ tai nạn, điều kiện để người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam...

Gọi công dân nữ nhập ngũ trong thời bình
Từ ngày 8/4, Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/2/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hiệu lực. Theo đó, công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, khi đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 3 tháng trở lên phải đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã đăng ký nghĩa vụ quân sự để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng.
 
Thanh niên ở huyện Ba Vì (Hà Nội) trong ngày nhập ngũ
Về việc đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, trong hồ sơ phải có bản chụp Quyết định bổ nhiệm chức vụ (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc giấy xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với chức danh công tác thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.
Khi Quân đội có nhu cầu tuyển chọn gọi công dân nữ nhập ngũ trong thời bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nữ nhập ngũ quy định. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh thành giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân nữ nhập ngũ cho quận, huyện, thị xã.
Nghị định 13 cũng quy định rõ chế độ chính sách của công dân trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Theo đó, công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự được đảm bảo các chế độ như: Tiền ăn bằng mức tiền ăn một ngày cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định của pháp luật.
Điều kiện để người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam
Từ 1/4, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực. Theo đó, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chỉ tịch UBND tỉnh, nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Điều kiện để người nước ngoài được cấp giấy phép lao động khi có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Bồi thường bảo hiểm bắt buộc 100 triệu đồng/người/vụ
Từ ngày 1/4, Thông tư 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 Quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chính thức có hiệu lực. The đó, chủ xe cơ giới tham gia giao thông phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
Tai nạn giao thông vẫn thường trực ở mỗi cung đường
Thông tư quy định, mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/vụ. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung
Từ ngày 1/4, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung có hiệu lực. Các đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm tập hợp nhu cầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu…
Các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh… có trách nhiệm công khai mua sắm tập trung theo quy định của Bộ Tài chính. Đơn vị mua sắm tập trung công khai nhu cầu mua, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả mua, kế hoạch bàn giao tài sản.
Thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển
Từ ngày 18/4, Quyết định 10/2016/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 quy định thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển do Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý có hiệu lực. Theo đó, việc thực hiện các thủ tục biên phòng cảng biển phải đảm bảo sự bình đẳng, an toàn, công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về giao dịch điện tử và xuất nhập cảnh phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
nguồn: dantri.com
Xem thêm…

Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ quyết tâm giành lại Hoàng Sa

12:00 AM |

Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ quyết tâm giành lại Hoàng Sa

 Đánh giá báo cáo công tác nhiệm kỳ của Thủ tướng, Chính phủ, đại biểu Quốc hội hài lòng về quan điểm, thái độ mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần thể hiện rõ hơn quyết tâm kiên trì đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Gạc Ma…

Trước phiên thảo luận tại hội trường ngày hôm nay (29/3) về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, các đại biểu Quốc hội cũng đã có phiên thảo luận tại tổ về nội dung này. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ thể hiện quan điểm đánh giá trên.
Không kéo dài tình trạng quan hệ hiện nay với Trung Quốc
Đối với phần công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các ý kiến khái quát, Thủ tướng cũng như Chính phủ đã thể hiện quan điểm, thái độ rất mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, kịp thời có chính sách đầu tư, hỗ trợ ngư dân, ứng phó có hiệu quả đối với tình hình biển Đông giữ được môi trường hòa bình để phát triển ổn định nên được người dân và đồng bào đánh giá cao.
Có ý kiến đề nghị trong báo cáo cần thể hiện rõ hơn quyết tâm kiên trì đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Gạc Ma – chủ quyền của Việt Nam, thể hiện rõ cho người dân yên tâm về công tác ngoại giao, đấu tranh giành chủ quyền của Việt Nam, không để hiểu lầm báo cáo lướt nhanh qua về vấn đề này.
Cụ thể hơn, đại biểu góp ý, cần cân nhắc nhận định liên quan đến bảo vệ được “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”, nhất là tình hình biển Đông từ sau 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái lấn chiếm Trường Sa, Hoàng Sa.
Các đại biểu Quốc hội cũng góp ý, quan hệ với Trung Quốc là quan hệ lâu dài nên cần phải khéo léo, khôn ngoan nhưng kiên quyết, không nên kéo dài tình trạng như hiện nay. Một số vấn đề về chủ quyền biển đảo họp kín, truyền thông không tiếp cận được, tạo nên thắc mắc trong nhân dân, đề nghị cần công khai minh bạch thông tin để nhân dân yên lòng. Cần đề ra các giải pháp chiến lược về chủ quyền quốc gia trong thời gian tới.
Tham nhũng tiếp tục tràn ra
Một vấn đề khác trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ nhận nhiều ý kiến “mổ xẻ” của đại biểu là việc phản ánh tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua. Như thẩm tra trước đó của UB Pháp luật thì nội dung này chưa được báo cáo đầy đủ, tham nhũng không chỉ là chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu.
 
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông trao đổi băn khoăn về nạn tham nhũng không được đẩy lùi và vẫn tràn lan (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Lê Minh Thông – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội trao đổi, rất nhiều đại biểu băn khoăn là nạn tham nhũng không những chưa bị chặn đứng và đẩy lùi mà còn tiếp tục tràn lan ra nhưng cả báo cáo và xử lý đều không phản ánh rõ nên có lẽ tiếp tục cần có khảo sát đánh chân thực hơn bức tranh về tham nhũng hiện nay.
Ông Thông chỉ rõ, có địa phương nói không phát hiện được tham nhũng nhưng không thuyết phục được dư luận, người dân vẫn cứ băn khoăn. “Tôi nghĩ là dân sáng suốt lắm, cảm nhận của người dân là có căn cứ lắm, chỉ có điều là họ không bắt tận tay không day tận mặt được mà thôi” – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật nói.
Đại biểu của tỉnh Thanh Hoá phân tích, tình hình tham nhũng, nếu chỉ phân tích qua kết quả xử án tham nhũng, người dân đặt câu hỏi, đó phải chăng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo đó, báo cáo thẩm tra cho rằng tham nhũng ngày càng hiện hữu là phản ánh một thực tế rất nhiều người cảm nhận thấy nhưng không có bằng chứng cụ thể, vì với người dân thì họ không có điều kiện lôi ra những bằng chứng cụ thể.
Xem thêm…

Vì sao Indonesia bất ngờ cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông

8:18 PM |

Vì sao Indonesia bất ngờ cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông?

 Bất chấp những cuộc điện đàm khẩn khoản từ phía Trung Quốc, đề nghị không công khai vụ việc, Bộ ngoại giao Indonesia vẫn tổ chức họp báo và công khai phản đối sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một cách dứt khoát.

Vi phạm chủ quyền
Tất cả bắt đầu chiều ngày 19/3, khi một tàu tuần tra của Bộ nghề cá và hải sự Indonesia, số hiệu KP Hui 11, bắt giữ một tàu cá trọng tải 300 tấn, có tên Kway Fey 10078 của Trung Quốc. 8 thủy thủ trên tàu Trung Quốc bị bắt do đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
 
Vị trí tàu KP Hui 11 của Indonesia (trên) chặn bắt tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép và áp giải, trước khi bị tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc áp sát, cản trở (chấm đỏ dưới), cách đảo Natuna chỉ 4km. (Ảnh: Diplomat)
Theo tờ The Diplomat, sau khi bắt giữ những người vi phạm đưa lên tàu KP Hui 11, 3 viên chức Indonesia lên tàu Kway Fey để dẫn giải về căn cứ. Khi quá trình lai dắt diễn ra, một tàu của lực lượng Tuần tra Bờ biển Trung Quốc đã tăng tốc bám theo, và đâm vào tàu Kway Fey, để giải vây. Tình thế buộc tàu Kway Fey phải dừng lại gần đường giới hạn vùng biển chủ quyền của Indonesia, vào khoảng nửa đêm 20/3.
Lúc này, tàu KP Hui 11 đã liên lạc với Hải quân Indonesia tại đảo Natuna để điều một xuồng cao su ra ứng phó. Indonesia không có chiến hạm nào đóng trường trực tại đây. Gần như đồng thời, một tàu Tuần tra Bờ biển khác của Trung Quốc xuất hiện gần tàu Kway Fey. Để tránh leo thang căng thẳng, các viên chức Indonesia đã buộc phải rời tàu Kway Fey, trở lại tàu KP Hui. Không lâu sau, nhân viên Tuần tra Bờ biển Trung Quốc lên con tàu đánh bắt trái phép, lái quay ngược trả ra hải phận quốc tế.
Sau vụ việc, Bộ trưởng Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti đã phản đối mạnh mẽ hành động của tàu Tuần tra Bờ biển Trung Quốc, đồng thời Bộ ngoại giao Indonesia triệu đại sứ nước này tới để phản đối. Jakarta khẳng định các tàu Trung Quốc đã áp sát đảo Natuna trong phạm vi chỉ 4km.
Hành động khiêu khích
Vài giờ sau khi thông tin về vụ đối đầu trên Biển Đông đến tai cơ quan ngoại giao, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gọi điện cho một quan chức chính phủ Indonesia, khẩn khoản đề nghị không hé lộ thông tin cho báo giới, bởi “dù gì chúng ta cũng là bạn”, Bloomberg đưa tin.
Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị khước từ, khi Bộ ngoại giao Indonesia tổ chức họp báo, chính thức thông tin về vụ việc và gửi công hàm phản đối Bắc Kinh.
 
Những hình ảnh về tàu cá và thủy thủy đoàn Trung Quốc bị giới chức Indonesia bắt giữ. (Ảnh: Diplomat)
Một quan chức Indonesia giấu tên cho biết, Jakarta không muốn phản ứng, nhưng buộc phải làm vậy, bởi hành động của Trung Quốc đặc biệt mang tính khiêu khích, và nằm trong xu hướng ngày càng hành động quyết liệt trên Biển Đông.
Những hoạt động ngoại giao trong hậu trường vụ việc đã hé lộ phần nào lựa chọn giải quyết êm thấm vụ việc giữa Bắc Kinh và Jakarta, vì nhiều lí do khác nhau. Indonesia lâu nay vẫn tránh công khai các vụ việc trên Biển Đông, nhằm tránh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với Trung Quốc, đối tác thương mại song phương lớn nhất của Indonesia.
Bắc Kinh trong khi đó hiểu rằng họ cần có được sự hậu thuẫn quốc tế, nhất là trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc sắp ra phán quyết về tính pháp lý của những tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và Philippines.
“Trước đây, khi những vụ việc tương tự xảy ra, Indonesia thường tránh làm lớn chuyện, thậm chí bưng bít vì những lợi ích của mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc”, Ian Storey, học giả cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore nhận định. “Nhưng nếu Trung Quốc bắt đầu tìm cách và thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ tại vùng biển của Indonesia, Jakarta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công khai hành động của Trung Quốc, và phản ứng lại thái độ quyết liệt của Bắc Kinh”.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một cuộc họp báo tuần qua đã tuyên bố vụ việc xảy ra tại “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Người này còn tuyên bố tàu Trung Quốc “bị tấn công và quấy rối” bởi một tàu Indonesia có vũ trang.
Thông điệp từ Jakarta
Theo Bloomberg, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang thử thách Tổng thống Indonesia Widodo, người vẫn xem việc bảo vệ các ngư trường Indonesia trước hoạt động đánh bắt trái phép là ưu tiên trong tầm nhìn của ông nhằm đưa Indonesia trở thành một cường quốc biển toàn cầu. Chính quyền Indonesia vừa qua đã đánh đắm nhiều tàu cá nước ngoài bị nước này bắt giữ khi đánh bắt trái phép.
 
Xuồng của hải quân Indonesia (trái) xua đuổi tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc ra khỏi vùng biển quanh đảo Natuna. (Ảnh: Diplomat)
Theo tiến sỹ Ristian Atriandi Supriyanto, đến từ Trung tâm nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc, mặc dù vụ việc nêu trên có vẻ là bước leo thang ở tầm chiến thuật, nó không báo hiệu cách hành xử mới của Trung Quốc ở tầm chiến lược. Lâu nay, nước này vẫn thường được biết đến với việc sử dụng các tàu cá dân sự như vỏ bọc để thực thi tuyên bố chủ quyền, thông qua cái gọi là đường 9 đoạn phi pháp trên Biển Đông.
Tuy vậy cách thức Indonesia phản ứng lại hoàn toàn khác trước. Thay vì hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề hoặc giữ im lặng, Jakarta đã lên tiếng mạnh mẽ. Với Bộ nghề cá và hải sự Indonesia, theo ông Supriyanto, vụ việc Trung Quốc hậu thuẫn các ngư dân hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là không thể chấp nhận được, thậm chí mang tính sỉ nhục.
Mọi chi tiết về vụ việc liên quan đến tàu Kway Fey cũng được cơ quan này cung cấp cho báo giới và đăng tải trên mạng xã hội. Có vẻ như giới chức Indonesia đang muốn thu hút sự chú ý của công chúng trong nước tới việc Bắc Kinh công khai cản trở chiến dịch chống đánh bắt trái phép tại vùng biển của Indonesia.
Dù vậy, trung tâm của vấn đề đó là thực tế Indonesia ngày càng tức giận trước việc khó đáp trả sự quyết liệt ngày một lớn của Trung Quốc, trong vùng biển quanh đảo Natuna. Tất cả đến nay chỉ dừng lại ở những phản ứng giận dữ qua đường ngoại giao. Việc Jakarta liên tục phản đối tuyên bố “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh cũng không thể khiến nước này từ bỏ lập luận đơn phương về “ngư trường đánh bắt truyền thống”, vốn chồng lấn cả vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Dù chính quyền Indonesia đã cam kết tăng cường năng lực phòng thủ cho Hải quân cũng như các lực lượng thực thi luật pháp trên đảo Natuna, việc triển khai đang trở nên cấp bách. Trong khi đó, thời gian không đứng về phía họ.
Trung Quốc đang đẩy mạnh gia cố và quân sự hóa các cấu trúc nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa, và hầu như chắc chắn sẽ giúp họ áp đặt quyền kiểm soát lớn hơn trên biển trong khu vực đường 9 đoạn. Các kết cấu này cũng có thể trở thành bàn đạp cho lực lượng ngư dân đánh bắt xa bờ của nước này tiến sâu xuống phía nam, dưới sự tháp tùng của lực lượng Tuần tra Bờ biển Trung Quốc.
Vụ việc này đã đặt các nhà lập pháp chiến lược của Indonesia trước một lựa chọn khó khăn: đáp trả bằng cách leo thang vụ việc, hoặc tiếp tục xem như chưa có chuyện gì xảy ra, và chứng kiến vụ việc lặp lại.
Xem thêm…

Khám phá bí quyết ăn nhiều tinh bột mà không béo của người Nhật

8:34 PM |

Khám phá bí quyết ăn nhiều tinh bột mà không béo của người Nhật

Người Nhật nhìn chung rất khỏe mạnh: Họ có tuổi thọ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và có tỷ lệ béo phì chỉ là 3,5%, bằng 1/10 tỷ lệ béo phì của người Mỹ. Lý do người Nhật có sức khỏe ưu việt? Chế độ ăn nhiều ngũ cốc, nhiều carbonhydrate (tinh bột - đường).

Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia về y học và sức khỏe toàn cầu ở Tokyo, những người tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn về chế độ ăn khuyến nghị của Nhật Bản ít tử vong vì nguyên nhân bất kỳ - chẳng hạn như bệnh tim mạch và đột quỵ - hơn 15% so với những người không tuân thủ tốt.
Hướng dẫn dinh dưỡng của Nhật Bản phản ánh chế độ ăn uống truyền thống của nước này - nhiều ngũ cốc, cá và sản phẩm từ đậu nành, nhưng lại ít chất béo.
Tại Mỹ, nơi đang nổi lên xu hướng chống lại ngũ cốc và nghiêng về khẩu phần chất béo lớn hơn, thì hướng dẫn về chế độ ăn có phần trái ngược của Nhật Bản là một lời nhắc nhở rằng không có cách nào là "đúng" để ăn thức ăn bổ dưỡng - mà chỉ là những phong cách khác nhau phù hợp nhất với những con người và nền văn hóa khác nhau.
 
Tại sao người Nhật có thể ăn rất nhiều ngũ cốc (và không bị béo)?
Trong nghiên cứu, 80.000 đối tượng đã trả lời bộ câu hỏi chi tiết về lối sống và thực phẩm xác định mức độ tuân thủ các hướng dẫn, và sau đó các nhà nghiên cứu đã theo dõi sức khỏe của họ trong 15 năm. Nhóm những người tuân thủ tốt nhất các hướng dẫn giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Các nhà nghiên cứu đã hiệu chỉnh những yếu tố như tuổi, giới, BMI, tình trạng hút thuốc lá, hoạt động thể lực và tiền sử cao huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu. Những người có tiền sử ung thư, đột quỵ, bệnh tim hoặc bệnh gan mạn tính cũng được loại trừ.
James DiNicolantonio, một chuyên gia tim mạch tại Viện Tim Trung Mỹ St. Luke, là người bảo vệ nhiệt thành cho giả thuyết đường và tinh bột là nguyên nhân thực sự của béo phì và bệnh chuyển hóa. Ông cũng khuyến khích những người muốn giảm cân ăn thêm những thực phẩm nhiều chất béo, nhiều calo để cảm thấy no hơn.
Mặc dù nhận xét chế độ ăn high-carb kiểu Nhật có tác dụng, song ông giải thích rằng đó là nhờ chất lượng thực phẩm, lượng chất béo ít, và mức độ hoạt động thể chất. Theo BS DiNicolantonio, chính sự kết hợp vi chất dinh dưỡng độc đáo của người Nhật đã giúp họ không bị béo phì và bệnh chuyển hóa.
"Kết hợp khẩu phần carbohydrate và chất béo cao sẽ là cơn bão hoàn hảo cho bệnh béo phì", ông nói. "Người Nhật có xu hướng ăn nhiều carb (cả gạo và rau), nhưng ăn ít chất béo".
DiNicolantonio cũng lưu ý rằng người Nhật có xu hướng ăn nhiều hải sản - loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 lành mạnh và họ không ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Hơn thế nữa, người Nhật trung bình đi hơn 7.000 bước một ngày, trong khi người Mỹ đi bộ trung bình khoảng 5.000 bước mỗi ngày. Cũng cần chú ý: Xu thế đi bộ 10.000 bước mỗi ngày vì sức khỏe thực sự bắt đầu ở Nhật Bản .
Với chế độ ăn gồm thực phẩm nguyên chưa qua chế biến, cũng như lối sống vận động, không có gì lạ là người Nhật có thể nạp được nhiều ngũ cốc hơn người Mỹ trung bình, DiNicolantonio nói.
"Tôi nghĩ rằng điều cần nhờ đối với người Mỹ, khi nhìn vào người Nhật, là nếu chúng ta hạn chế đường tinh luyện, dầu thực vật công nghiệp, và tăng lượng omega -3 từ đồ biển, thì chúng ta có thể ăn được nhiều gạo hơn", ông nói . "Chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ người Nhật về cách để khỏe mạnh, và suy cho cùng nó bắt nguồn từ “ăn thức ăn thật sự’ và ‘tập thể dục’”.
Hướng dẫn dinh dưỡng của Nhật rất dễ thực hiện
Hướng dẫn thực phẩm của Nhật Bản năm 2005 tiêu biểu cho lịch sử ẩm thực của nước này. Trong khi người Mỹ tận hưởng “tháp thực phẩm” trước khi nó được trình bày thành hình đĩa ăn như hiện nay, hướng dẫn của Nhật Bản được minh họa giống hình một con quay:
 
Một con số chạy xung quanh đỉnh biểu thị sự cần thiết của hoạt động thể chất. Núm cầm của con quay có hình một ly nước và trà, và không có cỡ phần ăn khuyến nghị cho đồ ăn vặt, bánh kẹo và đồ uống khác (nghĩa là những thứ có đường).
Phần lớn nhất của đầu trên con quay được tạo thành từ các món ngũ cốc như cơm, bánh mì, mì và bánh gạo, khuyến nghị cho 5-7 phần ăn một ngày. Tiếp đó là 5-6 phần ăn các món rau, tiếp đến đầu quay thu nhỏ hơn nữa để còn 3-5 phần protein bao gồm thịt, cá, trứng và các món ăn từ đậu nành.
Phần cuối cùng được chia làm hai: hai phần ăn mỗi ngày cho trái cây và sữa hoặc các sản phẩm sữa.
Kayo Kuratani, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về y học và sức khỏe toàn cầu và là một trong những tác giả của nghiên cứu, nhận xét rằng hình minh họa này rất dễ hiểu và thực hiện. Con quay được thể hiện “dựa trên món ăn”, trong khi hướng dẫn của Mỹ chủ yếu nói về thành phần tươi sống.
"Phương pháp dựa trên món ăn không chỉ dễ hiểu với những người chuẩn bị bữa ăn mà còn với những người ăn chúng," Kuratani giải thích. "Nó thể hiện bằng các món ăn thực tế tại bàn ăn chứ không phải là các loại thực phẩm được lựa chọn hoặc sử dụng trong việc chuẩn bị bữa ăn. Điều này khiến nó dễ hiểu ngay cả với những người ít khi nấu ăn".
Có thể học điều gì từ người Nhật?
TS Lydia Bazzano, một nhà nghiên cứu về dinh dưỡng và bệnh tiểu đường tại Đại học Tulane, chỉ ra rằng hướng dẫn hình con quay có thể gây nhầm lẫn cho người Mỹ. Bà lưu ý tài liệu hướng dẫn kèm theo chỉ ra rằng phần đầu trên của con quay thay đổi theo độ tuổi, giới tính và mức độ hoạt động. Ví dụ nam giới trẻ vận động nhiều có thể ăn nhiều ngũ cốc hơn một phụ nữ có tuổi ít vận động.
"Ở những người vận động rất nhiều, chế độ ăn ít chất béo với khẩu phần ngũ cốc cao không nhất thiết góp phần vào các hậu quả sức khỏe kém và tình trạng bệnh như béo phì", Bazzano nói. " Tuy nhiên, ở người ít vận động, khẩu phẩn ngũ cốc cao, đặc biệt là ngũ cốc tinh chế, có thể góp phần khiến sức khỏe kém hơn và/hoặc béo phì".
Bộ Y tế , Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã có một cập nhật lớn cho các hướng dẫn gần đây nhất: Vì người Nhật chủ yếu ăn gạo trắng là loại ngũ cốc chính, và gạo trắng có liên hệ với tăng nguy cơ một số bệnh mạn tính, nên hướng dẫn 2010 khuyên chỉ 50-65% chế độ ăn là carbonhydrate, và mọi người nên bắt đầu tìm hiểu những loại ngũ cốc nguyên cám như gạo nâu, Kuratani giải thích.
Tuy nhiên, chế độ ăn uống lý tưởng của Nhật Bản là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng không phải chỉ có một cách để đạt được cân nặng khỏe mạnh và tránh các bệnh mãn tính . Vì vậy, lần tới nếu có ai đó chê bai bạn vì chuyện ăn ngũ cốc trong bữa trưa, thì hãy bảo họ rằng bạn theo chế độ ăn kiểu “con quay” của người Nhật.
Xem thêm…

Chọn nhà thầu Trung Quốc: "Có cái gì không chỉ là ham rẻ, có lợi ích nhóm hay không?"

8:19 PM |

Chọn nhà thầu Trung Quốc: "Có cái gì không chỉ là ham rẻ, có lợi ích nhóm hay không?"

 Đó là những băn khoăn của cử tri và người dân được đại biểu Lê Như Tiến truyền đạt lại. Ông Tiến cho rằng, các công trình xây dựng nói chung và dự án đường ống nước sạch Sông Đà nói riêng phải quan tâm trước hết đến chất lượng, còn nếu ham rẻ để xảy ra sự cố thì phải truy đến cùng trách nhiệm.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/3, Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, vừa qua khi đi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về chuyện tại sao nhiều công trình xây dựng trọng điểm lại chỉ chọn những nhà thầu Trung Quốc.
"Liệu còn có cái gì không phải chỉ là ham rẻ đằng sau đó không? Có lợi ích nhóm trong đó không? Cử tri và người dân đã đặt các câu hỏi như thế" - vị đại biểu không khỏi băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Liên hệ đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trì trệ, đội vốn lên 100%, ông Tiến cho rằng: "Không hẳn do kinh tế khó khăn nên chúng ta ham rẻ đâu, mà ở đây là do tầm nhìn hạn chế. Chúng ta thấy rẻ trước mắt đấy nhưng liên tục phải bỏ vốn thêm ra 2, 3 lần như thế".
Theo ông Tiến, một công trình nhẽ ra tuổi thọ phải đến trăm năm thì chỉ trong vòng vài năm đã hỏng, phải đập đi làm lại thì tốn kém hơn rất nhiều. Cái giá của ham rẻ là như vậy. Do đó, ông Tiến đề nghị, khi xây dựng một dự án, cần phải có tầm nhìn xa hàng trăm năm và không nên chỉ tập trung vào một nhà thầu. Đã đấu thầu thì phải lựa chọn nhiều nhà thầu có năng lực.
Đề cập đến dự án đường ống nước sạch Sông Đà, đại biểu Lê Như Tiến đánh giá, đây không chỉ là công trình xây dựng quan trọng mà còn là công trình đảm bảo dân sinh. Với tầm quan trọng của dự án, điều cần quan tâm là chất lượng chứ không phải là bỏ thầu thấp rồi trong quá trình làm lại bị rơi vào thế "cưỡi lên lưng hổ", không thể xuống được.
Thực tế cũng đã cho thấy bài học, đó là nhiều công trình có giá bỏ thầu thấp nhưng khi thi công dang dở, đình trệ, chậm tiến độ thì phải bỏ thêm vốn để triển khai tiếp. Nếu chẳng may vừa đưa vào dùng lại xảy ra vỡ liên tục, gây thiếu nước cho người dân thì điều gì sẽ xảy ra đây? "Không chỉ là lãng phí, mất tiền của mà hơn thế lòng tin của người dân sẽ mất" - vị đại biểu lo ngại.
Do đó, theo ông, người có trách nhiệm trong việc quyết định thầu phải hết sức cẩn trọng, cần phải "vì dân, vì nước nhiều hơn chứ đừng vì giá bỏ thầu thấp hay gì đó đằng sau". Phải rất quan tâm đến năng lực, chất lượng còn nếu để cho nhiều công trình như đường sắt trên cao ở Hà Nội thì chỉ có gây tốn kém, lãng phí ngân sách mà thực chất đó là tiền thuế của dân.
Để làm nghiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất, đối với tất cả các công trình vì giá bỏ thầu thấp, nếu sau này để xảy ra sự cố nghiêm trọng thì phải truy được đến cùng trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
nguồm : dantri.com
Xem thêm…

Người Việt đã ăn 6 tấn chất cấm trong thịt heo?

8:42 PM |

Người Việt đã ăn 6 tấn chất cấm trong thịt heo?

Chỉ có 3 trong số 9 tấn Sabutamol được cấp phép nhập khẩu sử dụng vào mục đích sản xuất thuốc, số còn lại đã bị các công ty dược tuồn ra thị trường. Chỉ trong năm 2015, người tiêu dùng trên cả nước có thể đã ăn tới 6 tấn chất cấm trong chăn nuôi.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi heo – thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 23/3 tại TPHCM.
Số liệu được Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) công bố cho biết, đơn vị này đã lấy 1.008 mẫu thịt heo (lợn) tại các cơ sở giết mổ để kiểm tra chất Sabutamol dùng để tạo nạc, tạo độ sáng bóng cho thịt bị cấm trong chăn nuôi thì phát hiện 13 mẫu dương tính; lấy 1.981 mẫu nước tiểu heo tại cơ sở chăn nuôi phát hiện 115 mẫu dương tính; 238 mẫu thịt heo trên thị trường phát hiện 12 mẫu dương tính.
 
Cần có những chuỗi cung cấp thực phẩm sạch để cung cấp cho người sử dụng
Sau công bố của Cục chăn nuôi, thông tin “giật mình” tiếp tục được ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai tiết lộ. “Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,6 triệu con heo. Kết quả kiểm tra năm 2015 ghi nhận tới 15% số mẫu dương tính với Sabutamol. Đầu năm 2016, chi cục lấy 50 mẫu thịt heo kiểm định thì phát hiện 8 mẫu dương tính với Sabutamol.
Lý giải nguyên nhân loại chất cấm trên từ đâu mà có, vì sao người chăn nuôi dễ dàng mua được, ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục chăn nuôi cho biết: “Sabutamol là dạng tiền chất được Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép cho các công ty dược nhập khẩu để sử dụng trong chế biến thuốc phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, đây lại là một chất cấm trong chăn nuôi bởi nó gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng nếu ăn phải thực phẩm có chứa Sabutamol.
Ông Chinh thẳng thắn cho biết: Trong năm 2015 Cục quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu hơn 9 tấn Sabutamol. Tuy nhiên thực tế, chỉ có khoảng 3 tấn sản phẩm này được các công ty dược báo cáo đã sử dụng để sản xuất thuốc, số còn lại đã “không cánh mà bay”. Sabutamol không có nguồn hàng xách tay về nước, loại chất cấm đang được mua bán tràn lan trên chắc chắn là khối lượng hơn 6 tấn Sabutamol không có báo cáo rõ ràng của ngành y tế, bị các công ty dược tuồn ra thị trường. Đây là hậu quả từ việc quản lý lỏng lẻo của ngành dược khi không giám sát sản phẩm Sabutamol từ lúc nhập khẩu đến khi sử dụng.
 
Lợi ích kinh tế đang khiến con người đầu độc lẫn nhau
Sabutamol trong chăn nuôi đang âm thầm gây họa cho người sử dụng, hậu quả sẽ khôn lường đối với giống nòi nhưng trên thực tế, chế tài xử lý những đối tượng vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay: “Mức phạt đối với các trang trại chăn nuôi heo vi phạm sử dụng chất cấm chỉ có 15 triệu đồng, còn đối với các hộ chăn nuôi chỉ có 7,5 triệu đồng. Nếu so với lợi nhuận từ việc sử dụng chất cấm thì người chăn nuôi sử dụng chất cấm vẫn có lợi hơn nhiều.”
Để chặn đứng tình trạng vì lợi nhuận người chăn nuôi sử dụng chất cấm, đầu độc đồng loại. Đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 25/2/2016 các sản phẩm chứa chất cấm bị phát hiện sẽ bị tiêu hủy. Từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực hành vi của người sử dụng chất cấm vi phạm an toàn thực phẩm, ngoài bị xử phạt hành chính còn bị phạt tù lên đến 20 năm tù giam.
nguồn: dantri.com
Xem thêm…

Vì sao nước giúp chúng ta bình tĩnh lại?

9:10 PM |

Vì sao nước giúp chúng ta bình tĩnh lại?

 Nhiều người trong số chúng ta biết rằng ở gần nước khiến bản thân bình tĩnh và sáng tạo hơn. Theo một nghiên cứu mới đây, những người sống cạnh biển cảm thấy ít xì-trét và khỏe hơn những người ở xa biển.

Vậy là khoa học cũng đã biết đến tác động trấn tĩnh tâm lý của nước. Nhưng lý do gì khiến nước giúp con người bình tâm thì vẫn còn là 1 bí ẩn, nhà tâm lý học về môi trường Mathew White tại Đại học Exeter cho biết. Trong 1 cuộc phỏng vấn với tờ báo The Huffington Post, ông cho hay “Dường như có điều gì đó rất đặc biệt về nước. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết đấy là điều gì”.
Ông White và các đồng nghiệp đã thực hiện 1 nghiên cứu sâu rộng về mối liên hệ giữa nước và trạng thái thần kinh của con người. Ông còn làm việc với nhà sinh vật biển Wallace J. Nichols, người cũng nghiên cứu về vấn đề này trong cuốn sách Blue Mind, để phát triển học thuyết giải thích đặc tính trấn tĩnh của nước. Dù không biết chính xác, vẫn có 1 vài lý giải khá hợp lý cho những tác động tích khi đi dạo dọc bờ biển, du ngoạn trên hồ vào mùa hè hoặc nổi trong 1 “cái kén tách biệt giác quan”.
Theo như những gì mà chúng ta biết, thì đây là cơ chế mà não bộ của con người hoạt động khi ở trên mặt nước. Hãy chuẩn bị nhập cuộc và… không bao giờ thoát ra.
Nước đưa bạn trở về trạng thái bình tĩnh, trầm tĩnh hơn
Tất cả nằm ở việc tạm thoát khỏi nhịp điệu vội vã, cắm cúi vào màn hình của cuộc sống hiện đại, theo ông Nichols. Các đồng nghiệp của ông White đồng ý rằng: Trong khi nhiều người trải qua 1 loạt cảm xúc khác nhau do ở cạnh biển thì 1 bộ phận khác lại thấy dòng chảy của nước, tương tác với thời tiết và âm thanh đã tạo nên cảm giác yên bình, trấn tĩnh trong tâm trí.
Và nó còn có thể làm chậm sóng não
Những người nằm nổi – trong những hồ nước lặng – thường có sóng não biến đổi từ dạng nhanh hơn xuống dạng theta. Ngoài việc giúp thư thái tâm hồn, dạng sóng não chậm hơn này còn giúp giải phóng 1 loạt các ý tưởng sáng tạo.
Nước khiến ta nể sợ
Đứng cạnh 1 đại dương bao la hay bơi trong 1 hồ nước rộng lớn không khỏi khiến chúng ta có cảm giác nhỏ bé. Trải nghiệm hứng khởi do nể sợ này khiến não bộ hạnh phúc hơn, ít xì-trét hơn và sáng tạo hơn.
Và nó thực sự dẫn đường cho sự sáng tạo
Ttrạng thái trầm tĩnh do nước gây ra cũng liên quan đến mạng lưới chế độ mặc định của não, là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn mơ mộng 1 cách hão huyền mà bạn sẽ không bị nếu tập trung hơn vào 1 nhiệm vụ cụ thể nào đấy.
Kích hoạt mạng lưới chế độ mặc định – cơ chế cho phép não bộ được lang thang vô định, thoát khỏi những thúc ép hàng ngày – được biết đến là 1 trong những cách giải quyết vấn đề tốt nhất của trí não. Và điều này làm bạn trấn tĩnh lại.
Xem thêm…

Vụ nổ ở Hà Đông: Người khiêng vật nghi bom thoát chết nhờ… cái bật lửa

9:27 PM |

Vụ nổ ở Hà Đông: Người khiêng vật nghi bom thoát chết nhờ… cái bật lửa

Sau khi giúp anh Cường lăn khối sắt nghi là bom từ trong nhà ra vỉa hè lúc sáng, chiều cùng ngày, anh Thủy ra vỉa hè hút thuốc thì thấy anh Cường đang chuẩn bị đồ để cắt phá khối kim loại trên. Do quên bật lửa, anh Thủy lên tầng 2 hút thuốc mà may mắn thoát chết.

Vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) bước đầu đã được các cơ quan chức năng làm rõ. Theo đó, anh Phạm Văn Cường (SN 1975, quê Nam Trực, Nam Định) thuê nhà số 15 TT19 KĐT Văn Phú từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu mua phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ. Hàng ngày, anh Cường mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.
 
Vụ nổ khiến dãy nhà TT9 tan hoang.
Khoảng 8h30 sáng 19/3, anh Cường nhờ một nam thanh niên hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ) 1 khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40-45cm, dài khoảng 80cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg. Quá trình anh Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 10 người bị thương, nhiều nhà cửa, tài sản bị hư hỏng.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom. Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự - Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.
Chiều 20/3, phóng viên đã tìm gặp anh Đào Văn Thủy (SN 1971), người được anh Phạm Văn Cường nhờ lăn khối kim loại nghi là bom ra vỉa hè sáng 19/3. Khi xảy ra vụ nổ, anh Thủy làm nhân viên cửa hàng kinh doanh máy lọc nước đặt tại nhà số 14 TT9, sát với ngôi nhà anh Cường thuê trọ.
Theo lời kể của anh Thủy, do khối kim loại trên rất nặng nên anh Cường đã nhờ anh Thủy cùng lăn từ trong nhà anh Cường ra vỉa hè để tiến hành cắt phá.
 
Anh Thủy chưa hết bàng hoàng sau khi thoát chết.
“Nó có hình dáng tròn giống như cái phuy nước nhưng lại rất nặng. Bên ngoài bám đầy bụi bẩn và hoen rỉ. Ban đầu, tôi còn tưởng đây là cái lu giấy như trong các nhà máy giấy sử dụng để lăn, ép giấy.” - anh Thủy tả lại và cho biết, hai đầu của khối kim loại trên không có mấu hay chi tiết nào có thể cầm nắm được. Cho nên, anh và anh Cường không thể khiêng khối kim loại này mà phải lăn.
Không nghi ngờ khối kim loại trên là bom hay vật liệu nổ nên anh Thủy còn nhiều lần thản nhiên dùng chân đá khối trụ kim loại này.
“Tuyệt nhiên chúng tôi đều không ai nghĩ đó là bom. Bởi nếu biết là bom thì không đời nào lại dùng đèn khò để bom nổ như thế.” - anh Thủy cho hay.
Chiều cùng ngày 19/3, trong lúc rảnh rỗi, anh Thủy ra ngoài vỉa hè để hút thuốc thì thấy anh Cường đang chuẩn bị đồ nghề cắt phá khối kim loại lúc sáng. Định châm thuốc, anh Thủy phát hiện mình không mang theo bật lửa nên chạy vào nhà, đi lên tầng 2. Vài phút sau, tiếng nổ long trời lở đất phát ra.
“Tôi ngồi trên tầng hai có tiếng nổ lớn và nhà cửa rung chuyển. Tôi đang ngồi trên ghế thì bị bắn văng ra phía sau, lưng đập mạnh vào tường.” - anh Thủy nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Hoảng loạn, mất định hướng, anh Thủy chạy thẳng xuống tầng 1 rồi lao ra đường. Tại tầng 1, anh Thủy chứng kiến một số nhân viên bị các thiết bị đè vào người nhưng đều may mắn thoát chết vì phía bên ngoài thiết bị được bao bọc bằng một lớp xốp. 3 nhân viên cửa hàng nơi anh Thủy làm việc bị thương, được đưa đi cấp cứu.
“Chạy ra đường thì khói đen mù mịt, xác người chết ngay dưới chân nhà.” - anh Thủy kể với giọng run rẩy, chưa hết bàng hoàng sau cú thoát chết không ngờ nhờ đi tìm cái bật lửa.
Anh Thủy cũng phủ nhận thông tin cho rằng trước khi dùng đèn khò để cắt phá khối kim loại trên, anh Cường đã dùng cưa sắt để cưa. Theo anh Thủy, khi anh xuống vỉa hè để hút thuốc, anh Cường đã chuẩn bị đồ nghề là đèn khò để cắt phá, không sử dụng cưa.
Xem thêm…

Ghi rõ nguồn:http://suckhoevalamdepmoingay.blogspot.com/
tin tức | khử mùi hôi chân | cách chữa bệnh hôi nách |