Quảng bá du lịch bằng ẩm thực: Việt Nam lại chậm chân

7:32 PM |

Quảng bá du lịch bằng ẩm thực: Việt Nam lại chậm chân

Mặc dù đã bàn “chán chê” nhưng nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa giải được bài toán thương hiệu. Trong khi đó các quốc gia láng giềng, điển hình là Thái Lan đã đầu tư rất mạnh vào việc khuếch trương hình ảnh đất nước.

Chiến dịch quảng bá du lịch với trọng tâm là ẩm thực của Thái Lan mới đây là một bài học lớn cho chúng ta.
 
Ẩm thực Việt Nam đa dạng, hấp dẫn vào bậc nhất thế giới
Người Thái đã đón đầu?
“Gần đây trong một chuyến công tác Bangkok, Thái Lan, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy khẩu hiệu ở sân bay: “Thailand: Kitchen of the World” nghĩa là Thái Lan: Bếp ăn của thế giới” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Không chỉ riêng ông Vũ Tiến Lộc, nhiều người cũng bất ngờ với thông tin này, bởi đây là gợi ý của Phillip Kotler, cha đẻ ngành marketing hiện đại dành cho Việt Nam. Trong khi đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa làm gì để hiện thực hóa ý tưởng của Phillip Kotler thì người Thái Lan đã và đang thực hiện điều này một cách bài bản.
Đây không phải lần đầu tiên Thái Lan đưa ra chiến dịch quảng bá du lịch với trọng tâm là ẩm thực. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan mới đây đã xúc tiến chiến dịch “Pracharatch” kéo dài 3 tháng với danh sách khoảng 11 chiến lược “quick-win” (những việc cần làm ngay) để thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch đất nước này. Một trong những biện pháp mà ngành du lịch Thái Lan hướng tới đó là tập trung quảng bá du lịch Thái Lan bằng ẩm thực.
Cụ thể, thay vì mong đợi con số 32 triệu du khách nước ngoài, Thái Lan sẽ hướng tới mục tiêu thu hút 120 triệu hành khách mua những sản phẩm đồ ăn và hoa quả Thái Lan khi quá cảnh qua các sân bay nước này.
Để hiện thực hóa chiến dịch đó, ngành du lịch Thái Lan đã làm việc với các hàng không lớn như Thai Airways, Bangkok Airways và Thai Smile Airways để cho phát những đoạn video về ẩm thực trên các chuyến bay. Tất nhiên không chỉ bằng hình ảnh, du khách còn được thưởng thức những món ăn từ các nữ tiếp viên xinh đẹp của xứ sở Chùa Vàng.
Cần biết rằng, ngành du lịch Thái Lan chưa bao giờ thiếu ý tưởng để thu hút du khách. Từ lâu nay, ngành ngoại giao nước này phối hợp với các cơ quan du lịch Thái Lan đều đặn tổ chức các Tuần lễ ẩm thực Thái ở nước ngoài. Những món ăn đặc sắc của người Thái như Pad Thai (mỳ Thái), Tom Yam Kung (súp tôm chua cay), Som Tam (salad Thái)… đã thành công trong việc lôi kéo lượng lớn du khách đến Thái Lan.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia về văn hóa Thái Lan còn nhanh chóng điều tra và đưa ra danh sách 12 món ăn du khách không thể bỏ qua khi lần đầu đặt chân đến xứ sở Chùa Vàng. Khẩu hiệu “Thailand: Kitchen of the World” chỉ là một trong rất nhiều những ý tưởng khai thác du lịch từ ẩm thực mà ngành du lịch Thái Lan đã thực hiện, mở đường cho các sản phẩm mang thương hiệu “Thai brand” được du khách thế giới yêu thích.
 
Các nữ tiếp viên xinh đẹp giới thiệu các món ăn đặc trưng của Thái
Làm gì để không “đi sau”?
Việt Nam đang tiếp tục tụt hậu so với các nước trong khu vực, đó là điều không thể phủ nhận nhất là khi nhìn vào việc ngành du lịch nước nhà đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” quảng bá ẩm thực vào tay người Thái, mặc dù chúng ta không hề thua kém họ nếu xét về sự giàu có của các món ăn truyền thống.
Cái thiếu của ngành du lịch Việt Nam là dù đã nhìn ra thế mạnh nhưng lại chưa quyết tâm xây dựng một chiến lược quảng bá xứng tầm. Nếu như Thái Lan có thể đưa ra danh sách “12 món ăn du khách không thể bỏ lỡ” thì Việt Nam chỉ quanh quẩn với… phở và nem rán trong khi chúng ta có một thực đơn đa dạng, hấp dẫn từ nem cuốn, bánh cuốn, bún chả, bánh xèo…
Dựa trên các món ăn đặc trưng đã nổi tiếng thế giới như dimsum, sushi hay kimchi… các cửa hàng Trung Quốc (Chinese Foods), Nhật Bản (Japanese Foods), Hàn Quốc (Korean Foods)… đang thâm nhập thị trường châu Âu, châu Mỹ và nghiễm nhiên trở thành một sự định vị cho du lịch. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có nổi một nhãn hiệu, hay một biểu tượng nào đủ ấn tượng để giới thiệu tinh hoa ẩm thực đến với thế giới.
Mới đây, đầu bếp danh tiếng và cũng được coi là “đại sứ ẩm thực” của Anh - Gary Rhodes đã đích thân đến Việt Nam để trổ tài nấu nướng và giới thiệu các món ăn đặc sắc của xứ sở sương mù. Khỏi phải nói, sự xuất hiện của một đầu bếp đã sở hữu tới 6 sao Michelin (tiêu chuẩn danh giá xếp hạng ẩm thực) và chuỗi nhà hàng đẳng cấp đã khiến cho người yêu thích ẩm thực thích thú như thế nào.
Trong khi chúng ta đang tranh cãi về việc có hay không một đại sứ du lịch thì vẫn chưa thấy ngành du lịch nhắc đến việc tìm một đại sứ về ẩm thực. Tại sao ư, hãy nhìn vào kinh nghiệm của người Thái.
Xem thêm…

“Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”

12:32 AM |

“Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”

 Sau khi đọc hai câu thơ đó trước hội trường Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) giải thích: “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua”. Giữ “nỏ thần” là giữ cho đất nước trước họa xâm lăng và có điều kiện phát triển văn minh, thịnh vượng.


Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Quochoi.vn).
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đất nước chúng ta đang phải đối diện với cả ngoại xâm và nội xâm. “Tức là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việc xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Bây giờ chúng ta phải làm gì?”- ông Nghĩa đặt vấn đề và đưa ra hàng loạt giải pháp căn cơ, mạnh mẽ.
Trước hết, ông Nghĩa đồng ý với nhận định được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy, tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất.
“Tôi muốn nhấn mạnh vào hai cụm từ “quốc gia dân tộc” và “người dân”. Tôi nhận thức rằng, hàng ngàn năm qua ông cha ta giữ vững được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ vào bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó tôi xin bổ sung vào quan điểm phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào, bảo vệ độc lập chủ quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước”- ông nói.
Ông Nghĩa kỳ vọng phải làm sao cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. “Năm 1946 khi cụ Hồ sang Pháp dự hội nghị, nhiều trí thức thành đạt đã từ bỏ vinh hoa phú quý đi theo cụ về nước, về chiến khu kháng chiến, nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã sẵn sàng ủng hộ kháng chiến chống Mỹ cho dù phải trả giá đắt về tiền đồ, cuộc sống, thậm chí tính mạng”- ông Nghĩa nêu lại câu chuyện lịch sử.
Rồi chính ông đau đáu trước Quốc hội về thực tế hiện nay có không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi. Một bộ phận cán bộ công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho con, cháu mình được ra nước ngoài. “Không phải vì nghèo về tiền mà cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết. Phải đảm bảo cho người dân chưa giàu cũng phải thấy được tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý; được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân thấy tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”- ông Nghĩa đau đáu.
Trong phát triển kinh tế đất nước, vị luật sư đến từ TPHCM cho rằng, phải động viên được 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng, thanh niên chăm học, chăm làm, bớt nhậu nhẹt, bớt tiêu xài phung phí. Người dân ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho dù chất lượng chưa bằng hàng ngoại - như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận, ích kỷ mà dìm nhau, phá nhau trên thị trường, thậm chí đầu độc nhau bằng thực phẩm chế biến độc hại. Chấm dứt các dự án gây ô nhiễm, tàn phá thiên nhiên, qua đó hủy hoại môi trường sống của mình và con cháu mình.
“Cán bộ công chức phải giảm bớt lãng phí, thề không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng”- ông Nghĩa thẳng thắn.
Đồng thời phải tăng cường mối đại đoàn kết 54 dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết đồng bào trong nước - ngoài nước, hàn gắn vết thương quá khứ và không khoét thêm vết thương mới.
“Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất nghĩa là phải xác định cho đúng giữa ta và bạn - thù. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức”- ông Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa khẳng định việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”- vị đại biểu Quốc hội nói.
Nhắc lại sự kiện lịch sử gắn liền với cái tên Diên Hồng - tên của Hội trường Quốc hội hiện nay, ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định điều đó đã minh chứng cho một chân lý: Hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn phải chống lại những kẻ ngoại xâm, đông và mạnh hơn mình nhưng cuối cùng luôn luôn thắng lợi bởi luôn nuôi dưỡng được lòng yêu nước của toàn dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc.
Cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TPHCM xin được nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).
“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu
Xem thêm…

Ghi rõ nguồn:http://suckhoevalamdepmoingay.blogspot.com/
tin tức | khử mùi hôi chân | cách chữa bệnh hôi nách |