Hàng loạt chính sách "sát sườn" có hiệu lực từ ngày 1/4
Từ ngày 1/4, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của mỗi công dân và hoạt động của doanh nghiệp sẽ có hiệu lực như quy định việc gọi công dân nữ nhập ngũ trong thời bình, quy định chi trả bảo hiểm trong các vụ tai nạn, điều kiện để người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam...
Gọi công dân nữ nhập ngũ trong thời bình
Từ ngày 8/4, Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/2/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hiệu lực. Theo đó, công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, khi đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 3 tháng trở lên phải đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã đăng ký nghĩa vụ quân sự để trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng.
Về việc đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, trong hồ sơ phải có bản chụp Quyết định bổ nhiệm chức vụ (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc giấy xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với chức danh công tác thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.
Khi Quân đội có nhu cầu tuyển chọn gọi công dân nữ nhập ngũ trong thời bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nữ nhập ngũ quy định. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh thành giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân nữ nhập ngũ cho quận, huyện, thị xã.
Nghị định 13 cũng quy định rõ chế độ chính sách của công dân trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Theo đó, công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự được đảm bảo các chế độ như: Tiền ăn bằng mức tiền ăn một ngày cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định của pháp luật.
Điều kiện để người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam
Từ 1/4, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực. Theo đó, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chỉ tịch UBND tỉnh, nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Điều kiện để người nước ngoài được cấp giấy phép lao động khi có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Bồi thường bảo hiểm bắt buộc 100 triệu đồng/người/vụ
Từ ngày 1/4, Thông tư 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 Quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chính thức có hiệu lực. The đó, chủ xe cơ giới tham gia giao thông phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư quy định, mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/vụ. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung
Từ ngày 1/4, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung có hiệu lực. Các đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm tập hợp nhu cầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu…
Các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh… có trách nhiệm công khai mua sắm tập trung theo quy định của Bộ Tài chính. Đơn vị mua sắm tập trung công khai nhu cầu mua, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả mua, kế hoạch bàn giao tài sản.
Thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển
Từ ngày 18/4, Quyết định 10/2016/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 quy định thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển do Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý có hiệu lực. Theo đó, việc thực hiện các thủ tục biên phòng cảng biển phải đảm bảo sự bình đẳng, an toàn, công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về giao dịch điện tử và xuất nhập cảnh phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
nguồn: dantri.com
0 Nhận xét