Vì sao Indonesia bất ngờ cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông?
Bất chấp những cuộc điện đàm khẩn khoản từ phía Trung Quốc, đề nghị không công khai vụ việc, Bộ ngoại giao Indonesia vẫn tổ chức họp báo và công khai phản đối sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một cách dứt khoát.
Vi phạm chủ quyền
Tất cả bắt đầu chiều ngày 19/3, khi một tàu tuần tra của Bộ nghề cá và hải sự Indonesia, số hiệu KP Hui 11, bắt giữ một tàu cá trọng tải 300 tấn, có tên Kway Fey 10078 của Trung Quốc. 8 thủy thủ trên tàu Trung Quốc bị bắt do đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Vị trí tàu KP Hui 11 của Indonesia (trên) chặn bắt tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép và áp giải, trước khi bị tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc áp sát, cản trở (chấm đỏ dưới), cách đảo Natuna chỉ 4km. (Ảnh: Diplomat)
Theo tờ The Diplomat, sau khi bắt giữ những người vi phạm đưa lên tàu KP Hui 11, 3 viên chức Indonesia lên tàu Kway Fey để dẫn giải về căn cứ. Khi quá trình lai dắt diễn ra, một tàu của lực lượng Tuần tra Bờ biển Trung Quốc đã tăng tốc bám theo, và đâm vào tàu Kway Fey, để giải vây. Tình thế buộc tàu Kway Fey phải dừng lại gần đường giới hạn vùng biển chủ quyền của Indonesia, vào khoảng nửa đêm 20/3.
Lúc này, tàu KP Hui 11 đã liên lạc với Hải quân Indonesia tại đảo Natuna để điều một xuồng cao su ra ứng phó. Indonesia không có chiến hạm nào đóng trường trực tại đây. Gần như đồng thời, một tàu Tuần tra Bờ biển khác của Trung Quốc xuất hiện gần tàu Kway Fey. Để tránh leo thang căng thẳng, các viên chức Indonesia đã buộc phải rời tàu Kway Fey, trở lại tàu KP Hui. Không lâu sau, nhân viên Tuần tra Bờ biển Trung Quốc lên con tàu đánh bắt trái phép, lái quay ngược trả ra hải phận quốc tế.
Sau vụ việc, Bộ trưởng Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti đã phản đối mạnh mẽ hành động của tàu Tuần tra Bờ biển Trung Quốc, đồng thời Bộ ngoại giao Indonesia triệu đại sứ nước này tới để phản đối. Jakarta khẳng định các tàu Trung Quốc đã áp sát đảo Natuna trong phạm vi chỉ 4km.
Hành động khiêu khích
Vài giờ sau khi thông tin về vụ đối đầu trên Biển Đông đến tai cơ quan ngoại giao, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gọi điện cho một quan chức chính phủ Indonesia, khẩn khoản đề nghị không hé lộ thông tin cho báo giới, bởi “dù gì chúng ta cũng là bạn”, Bloomberg đưa tin.
Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị khước từ, khi Bộ ngoại giao Indonesia tổ chức họp báo, chính thức thông tin về vụ việc và gửi công hàm phản đối Bắc Kinh.
Những hình ảnh về tàu cá và thủy thủy đoàn Trung Quốc bị giới chức Indonesia bắt giữ. (Ảnh: Diplomat)
Một quan chức Indonesia giấu tên cho biết, Jakarta không muốn phản ứng, nhưng buộc phải làm vậy, bởi hành động của Trung Quốc đặc biệt mang tính khiêu khích, và nằm trong xu hướng ngày càng hành động quyết liệt trên Biển Đông.
Những hoạt động ngoại giao trong hậu trường vụ việc đã hé lộ phần nào lựa chọn giải quyết êm thấm vụ việc giữa Bắc Kinh và Jakarta, vì nhiều lí do khác nhau. Indonesia lâu nay vẫn tránh công khai các vụ việc trên Biển Đông, nhằm tránh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với Trung Quốc, đối tác thương mại song phương lớn nhất của Indonesia.
Bắc Kinh trong khi đó hiểu rằng họ cần có được sự hậu thuẫn quốc tế, nhất là trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc sắp ra phán quyết về tính pháp lý của những tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và Philippines.
“Trước đây, khi những vụ việc tương tự xảy ra, Indonesia thường tránh làm lớn chuyện, thậm chí bưng bít vì những lợi ích của mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc”, Ian Storey, học giả cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore nhận định. “Nhưng nếu Trung Quốc bắt đầu tìm cách và thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ tại vùng biển của Indonesia, Jakarta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công khai hành động của Trung Quốc, và phản ứng lại thái độ quyết liệt của Bắc Kinh”.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một cuộc họp báo tuần qua đã tuyên bố vụ việc xảy ra tại “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Người này còn tuyên bố tàu Trung Quốc “bị tấn công và quấy rối” bởi một tàu Indonesia có vũ trang.
Thông điệp từ Jakarta
Theo Bloomberg, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang thử thách Tổng thống Indonesia Widodo, người vẫn xem việc bảo vệ các ngư trường Indonesia trước hoạt động đánh bắt trái phép là ưu tiên trong tầm nhìn của ông nhằm đưa Indonesia trở thành một cường quốc biển toàn cầu. Chính quyền Indonesia vừa qua đã đánh đắm nhiều tàu cá nước ngoài bị nước này bắt giữ khi đánh bắt trái phép.
Xuồng của hải quân Indonesia (trái) xua đuổi tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc ra khỏi vùng biển quanh đảo Natuna. (Ảnh: Diplomat)
Theo tiến sỹ Ristian Atriandi Supriyanto, đến từ Trung tâm nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc, mặc dù vụ việc nêu trên có vẻ là bước leo thang ở tầm chiến thuật, nó không báo hiệu cách hành xử mới của Trung Quốc ở tầm chiến lược. Lâu nay, nước này vẫn thường được biết đến với việc sử dụng các tàu cá dân sự như vỏ bọc để thực thi tuyên bố chủ quyền, thông qua cái gọi là đường 9 đoạn phi pháp trên Biển Đông.
Tuy vậy cách thức Indonesia phản ứng lại hoàn toàn khác trước. Thay vì hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề hoặc giữ im lặng, Jakarta đã lên tiếng mạnh mẽ. Với Bộ nghề cá và hải sự Indonesia, theo ông Supriyanto, vụ việc Trung Quốc hậu thuẫn các ngư dân hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là không thể chấp nhận được, thậm chí mang tính sỉ nhục.
Mọi chi tiết về vụ việc liên quan đến tàu Kway Fey cũng được cơ quan này cung cấp cho báo giới và đăng tải trên mạng xã hội. Có vẻ như giới chức Indonesia đang muốn thu hút sự chú ý của công chúng trong nước tới việc Bắc Kinh công khai cản trở chiến dịch chống đánh bắt trái phép tại vùng biển của Indonesia.
Dù vậy, trung tâm của vấn đề đó là thực tế Indonesia ngày càng tức giận trước việc khó đáp trả sự quyết liệt ngày một lớn của Trung Quốc, trong vùng biển quanh đảo Natuna. Tất cả đến nay chỉ dừng lại ở những phản ứng giận dữ qua đường ngoại giao. Việc Jakarta liên tục phản đối tuyên bố “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh cũng không thể khiến nước này từ bỏ lập luận đơn phương về “ngư trường đánh bắt truyền thống”, vốn chồng lấn cả vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Dù chính quyền Indonesia đã cam kết tăng cường năng lực phòng thủ cho Hải quân cũng như các lực lượng thực thi luật pháp trên đảo Natuna, việc triển khai đang trở nên cấp bách. Trong khi đó, thời gian không đứng về phía họ.
Trung Quốc đang đẩy mạnh gia cố và quân sự hóa các cấu trúc nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa, và hầu như chắc chắn sẽ giúp họ áp đặt quyền kiểm soát lớn hơn trên biển trong khu vực đường 9 đoạn. Các kết cấu này cũng có thể trở thành bàn đạp cho lực lượng ngư dân đánh bắt xa bờ của nước này tiến sâu xuống phía nam, dưới sự tháp tùng của lực lượng Tuần tra Bờ biển Trung Quốc.
Vụ việc này đã đặt các nhà lập pháp chiến lược của Indonesia trước một lựa chọn khó khăn: đáp trả bằng cách leo thang vụ việc, hoặc tiếp tục xem như chưa có chuyện gì xảy ra, và chứng kiến vụ việc lặp lại.
0 Nhận xét